QUY TRÌNH LÀM MẠ KHAY, CẤY MÁY

Thứ sáu - 22/01/2016 03:16 22.543 0

QUY TRÌNH LÀM MẠ KHAY, CẤY MÁY

Những năm gần đây, do xu hướng chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ đã khiến lao động trong lĩnh vực này bị thiếu hụt nhất là vào các mùa vụ. Giá nhân công tăng, chi phí lao động nông nghiệp cao; nông dân ngại làm nông nghiệp là thực tế ở nhiều địa phương.

          Giải quyết vấn đề này, Thái Bình đã có cơ chế hỗ trợ nông dân để cơ giới hóa từng khâu sản xuất và các khâu: làm đất, gặt lúa đã cơ bản được cơ giới hóa giải phóng sức lao động cho nông dân. Song song với đó, công việc làm mạ, cấy lúa cũng đang được khuyến khích, mở rộng.
Vụ mùa 2015 một số địa phương trong tỉnh và trường trung cấp Nông nghiệp Thái Bình đã mạnh dạn đưa máy cấy vào phục vụ sản xuất, thực hành thực tập cho giáo viên, học sinh; bước đầu đem lại những kết quả thiết thực: giảm chi phí làm mạ, công cấy, giống, phân bón, thuốc trừ sâu, bệnh, trong khí đó năng suất, chất lượng lúa vẫn đảm bảo.
          Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình xin giới thiệu quy trình kỹ thuật làm mạ khay, cấy máy hoặc cấy tay.
1: Chuẩn bị khay và giá thể gieo mạ
1.1. Chuẩn bị khay
 
                                                    
          Khay gieo mạ là khay nhựa chuyên dụng có bán ngoài thị trường (giá dao động 18.000–20.000đ/khay). Máy cấy hiện nay mật độ trung bình 26 - 28 khóm/m2 thì cần 6 - 7 khay/sào bắc bộ
1.2. Chuẩn bị giá thể
 
 
 
          Giá thể gieo mạ là đất bột trộn với mùn cưa với tỉ lệ 5 thúng đất bột + 2 thúng mùn cưa. Cứ 100kg giá thể bổ sung 1,5 kg supe lân + 0,2kg Ure + 0,2kg Kali trộn đều. Lượng giá thể cho 1 sào dao động từ 25-27kg. Nếu không tự làm giá thể, có thể mua giá thể đã trộn sẵn.
2: Chuẩn bị mộng mạ
          -  Lượng thóc giống 1 sào: lúa lai 1 kg, lúa thuần 1,2 -1,3kg tùy giống.
           - Tốt nhất: Sử dụng giống của những công ty có uy tín. Người nông dân không nên tự để giống, chất lượng giống sẽ không đảm bảo.
            - Ngâm, ủ thóc giống: Ngâm yêu cầu hạt thóc phải no nước. Ðối với lúa thuần ngâm 48 - 72 giờ, lúa  lai ngâm 10 - 24 giờ tùy theo hướng dẫn ghi trên bao bì.
            Lưu ý: Quá trình ngâm cứ 10 - 12 giờ, thay nước đãi chua 1 lần. Vụ xuân nhiệt độ thấp để hạt nhanh nảy mầm cần ủ ấm. Có thể ủ ở đống rơm rạ ẩm, ủ dưới hố trong vườn hay trong thùng xốp giữ nhiệt khoảng 20 - 24 giờ.
 
 
           - Ðối với mạ gieo để cấy máy và sử dụng dụng cụ chuyên dùng để gieo yêu cầu ngâm thóc gai dứa là vừa, nếu ủ nhiều, rễ và mầm dài không gieo được dầy, khi cấy bằng máy sẽ không bảo đảm mật độ.
- Nếu gieo bằng tay cần chú ý chia đều lượng giống cho các khay bằng cách dùng bát ăn cơm để đong lượng mộng mạ. Cứ 1,2kg giống sau ngâm chia đều cho 7 khay là vừa.
 3: Gieo mạ

 
 
 
 
 
 
- Gieo bằng dụng cụ gieo hoặc gieo bằng tay
- Cho lượng giá thể đã chuẩn bị sẵn vào khay, gạt phẳng với độ dầy 1,5 - 2cm. Xếp các khay thành hàng trên mặt sân, tưới thật đẫm nước rồi tiến hành gieo hạt, gieo dầy, gieo đi gieo lại cho đều và gieo cả các mép khay. Gieo xong tưới nước lại một lần nữa rồi phủ kín hạt bằng lớp đất bột. Sau đó, có thể chồng các khay lên nhau và phủ nilon giữ ấm để giúp mạ nhanh mọc. Khi mạ mũi chông, rải các khay ra nền phẳng, chăm sóc như mạ nền cứng thông thường.
Chú ý: đối với mạ khay, sau khi phủ đất kín hạt, tuyệt đối không được tưới nước ngay, nước sẽ làm dí đất, cây mạ mọc chậm, sinh trưởng kém.
4: Chăm sóc mạ
 
 
 
- Đối với vụ xuân: Thời tiết mát mẻ, độ ẩm không khí cao, có thể tìm vị trí thoáng, bằng phẳng để đặt khay mạ, tưới nước duy trì độ ẩm hàng ngày. Nếu rét đậm cần che phủ nilon để giữ ấm.
 
 
 
- Đối với vụ mùa: Thời tiết nắng nóng, tốt nhất sau gieo khi mạ đạt mũi chông, cần đặt khay mạ ra ruộng, duy trì mực nước phù hợp để cây sinh trưởng, phát triển, nếu để trên nền đất cứng cần duy trì độ ẩm thường xuyên, tránh bị thiếu nước dẫn đến chết mạ.
- Cấy khi cây mạ đạt 2,5-3 lá.
   
5: Chuẩn bị ruộng cấy

 
 
Để cấy máy thuận lợi, ruộng cần làm bằng phẳng, tốt nhất là làm trước khi cấy từ 3-4 ngày, mực nước sền sệt, cây mạ sẽ thẳng hàng và không bị nghiêng, đổ.
Hiện nay trên thị trường có nhiều loại máy, nhưng tốt nhất là dòng máy của Nhật Bản. Đối với loại máy nhỏ cấy 4 hàng, 1 ngày máy cấy được từ 3-4 mẫu (30-40 sào Bắc Bộ).
Chú ý: Làm mạ khay ngoài cấy máy còn dùng để cấy tay cũng rất hiệu quả nhất là những vùng thiếu quỹ đất gieo mạ, vừa giảm diện tích gieo mạ, vừa dễ chăm sóc, thuận lợi che phủ khi trời rét đậm. Ngoài ra khay gieo mạ có thể tận dụng để  gieo cây con, bầu các loại cây rau màu khác.

Tác giả bài viết: Ths. Đỗ Tiến Công

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website
UBND tỉnh Thái Bình
Mạng văn phòng
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm4
  • Hôm nay11,526
  • Tháng hiện tại318,073
  • Tổng lượt truy cập3,557,775
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây